Thành phần
Lịch sử của Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
Ngày 24 tháng 6 năm 1859 ở Solferino, một thành phố miền Bắc nước Ý, một cuộc chiến khốc liệt diễn trong vài giờ đồng hồ giữa lực lượng quân đội liên minh của Pháp và Ý chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại 40.000 người chết và bị thương. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương.
Cảnh tượng trên đã khiến một thương gia Thụy Sĩ tên là Jean Henry Dunant kinh hoàng khi vô tình được chứng kiến. Ông đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.
Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant không thể nào quên những điều rùng rợn mà ông đã được chứng kiến. Ông đã viết lại những điều này trong một cuốn sách có tên gọi Ký ức về Solferino. Cuốn sách được hoàn thành vào năm 1862. Trong nội dung cuốn sách, Dunant đưa ra 2 ý tưởng:
a) Thành lập tại mỗi quốc gia một Hội Cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, những người danh tiếng, những chính khách có tên tuổi để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh.
b) Vận động một thoả thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.
Henry Dunant đã in cuốn sách bằng tiền riêng của mình và gửi tới các vị quốc vương ở châu Âu, tới các nhà chính trị, sĩ quan quân đội, những nhà hảo tâm và bạn bè. Điều này đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của nhân dân châu Âu, những người không có chút khái niệm nào về thực tế khốc liệt của chiến tranh đã bị kinh hoàng khi đọc những trang viết về Solferino.
Ông Gustave Moynier, một luật sư và vào thời gian đó là Chủ tịch của Hội Cứu trợ Cộng đồng Geneva đã cảm động sâu sắc khi đọc cuốn “Ký ức về Solfferino”. Ngay sau đó ông đã đề nghị Dunant nên nhóm họp các thành viên của Hội để bàn bạc về đề xuất của mình. Tại cuộc họp, một Ủy ban Năm Người được thành lập, gồm Dunant và Moynier, Tướng Guillaume Henri Dufour, Tiến sĩ Louis Appia và Tiến sĩ Theodore Maunoir, tất cả đều là công dân Thụy Sĩ. Kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban này vào ngày 17 tháng 2 năm 1863 đã thông qua tên gọi “Ủy ban quốc tế cứu trợ những người bị thương”.
Trong thời gian sau đó, “Ủy ban năm người” này đã xúc tiến tổ chức một Hội nghị quốc tế vào tháng 10 năm 1863 tại Geneva, tập hợp đại diện của 16 quốc gia. Hội nghị đã thông qua dấu hiệu phân biệt – một chữ thập đỏ trên nền trắng – để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ những binh sĩ bị thương trên chiến trường.
Năm 1875, “Ủy ban quốc tế cứu trợ những người bị thương” đổi tên thành Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế – là tổ chức khởi xướng Phong trào Chữ thập đỏ Quốc tế. Để ghi nhớ công lao của người sáng lập Phong trào, ngày sinh của Henry Dunant 8/5 đã được lấy làm Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ.
4 giải thưởng Nobel vì hòa bình Dành cho sự nghiệp nhân đạo
Nhà tư bản công nghiệp Thụy Điển Alfred Nobel mất năm 1896. Trước khi vĩnh biệt thế giới này, ông có một nguyện vọng dành một phần ngân quỹ của mình để tặng thưởng cho những người có nhiều cống hiến trong hoạt động nhận đạo.
Năm 1901, Giải thưởng Nobel Vì hòa bình đầu tiên được trao cho Hăng-ry Đuy-năng – người sáng lập CTĐ, người đã hiến cả đời mình cho sự nghiệp nhân đạo. Mặc dù sống trong cảnh nghèo nàn của một nhà tế bần ở Heiden (bang Appenzell, Thụy Sĩ), nhưng H. Đuy-năng đã dành số tiền thưởng đó đóng góp cho sự nghiệp nhân đạo.
Năm 1917 và năm 1944, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được nhận 2 giải thưởng Nobel và số tiền này cũng được sử dụng cho các hoạt động nhân đạo trong suốt 2 cuộc chiến tranh thế giới.
Giải Nobel thứ 4 được trao cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế vào năm 1963 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ.
Giới thiệu chung về Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được hành lập năm 1863, là thành viên sáng lập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Ngoài các hoạt động bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, Ủy ban còn là cơ quan vận động và giám hộ việc phổ biến Luật Nhân đạo Quốc tế và theo dõi việc thực hiện những nguyên tắc cơ bản. Ủy ban cùng hợp tác với Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tổ chức các hội nghị theo điều lệ của Phong trào.
Các hoạt động cụ thể của Ủy Ban Chữ thập đỏ quốc tế, có thể tham khảo tại website: http://www.icrc.org
Giới thiệu chung về Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế được thành lập năm 1919, hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Phong trào, tạo điều kiện và động viên các Hội quốc gia cải thiện tình trạng cho những người có khó khăn nhất.
Hiệp Hội chỉ đạo và phối hợp việc cứu trợ quốc tế cho các nạn nhân do thiên tai và thảm họa công nghiệp, cho người tỵ nạn và cấp cứu y tế. Hiệp Hội là đại diện cho các Hội quốc gia trên trường quốc tế, huy động sự hợp tác giữa các Hội quốc gia, tăng cường năng lực cho các Hội quốc gia và thực hiện các chương trình phòng chống thiên tai, chăm sóc sức khỏe và cứu trợ xã hội.
Các hoạt động của Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, có thể tham khảo tại website: http://www.ifrc.org
Giới thiệu chung về các Hội quốc gia
Các Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia hoạt động theo nội dung và nguyên tắc của Phong trào. Các Hội quốc gia hỗ trợ cho các chính phủ trong các hoạt động nhân đạo, cụ thể là các chương trình phòng chống thiên tai, chăm sóc sức khỏe và cứu trợ xã hội. Trong thời gian có chiến tranh, các Hội quốc gia giúp đỡ nạn nhân dân thường và nếu có thể hỗ trợ các đơn vị quân y.
Tính đến nay đã có 192 Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới được công nhận là thành viên của Phong trào, tập hợp thành sức mạnh hoạt động nhân đạo khắp các chau lục, tạo nên những thành quả to lớn, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu.
Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Công hàm phê chuẩn cho Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có điều kiện gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, mở rộng phạm vi hoạt động.
Ngày 4/11/1957, tại cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ họp ở Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm: Thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo trong nước và thực hiện các Nghị quyết của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Hoạt động của các Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia, có thể tham khảo tại website: http://www.ifrc.org/address/rclinks.asp
Nhiệm vụ các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia hiện đã thay đổi nhiều so với hơn một thế kỷ trước. Ban đầu, các Hội quốc gia được thành lập chủ yếu để cứu trợ nạn nhân, trước hết là binh sỹ trong chiến tranh. Sau chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, các Hội quốc gia đã tham gia giúp đỡ những người mất nhà cửa, bị thương tật, có gia đình bị ly tán, những người di cư do thay đổi biên giới quốc gia. Nhiều Hội quốc gia đã tổ chức các bệnh viện, các đoàn xe cứu thương, nhà cửa cho người cơ nhỡ, vận động hiến máu, đào tạo người tình nguyện… Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ở các nước kinh tế phát triển, nhiều Hội quốc gia đã hoạt động chống các biểu hiện tiêu cực của khủng hoảng xã hội như thất nghiệp, ma túy, tệ nạn xã hội… Tại các nước kinh tế đang phát triển hoặc mới giành được độc lập thì chăm sóc y tế thường là hoạt động chủ yếu. Bên cạnh đó, ở những nước này, các Hội quốc gia còn tham gia chống suy dinh dưỡng, vận động tiêm chủng, phòng chống thiên tai, cứu đói; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột vũ trang, sắc tộc, thiên tai, thảm hoạ và các dịch bệnh khác.
Muốn trở thành thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các Hội quốc gia cần hội tụ đủ 10 điều kiện sau đây:
- Được thành lập tại một nước tham gia các Công ước Giơnevơ năm 1949;
- Trong nước đó chỉ có một Hội quốc gia với một ban lãnh đạo;
- Được Chính phủ nước đó công nhận là một tổ chức cứu trợ tự nguyện, hỗ trợ cho chính quyền trong lĩnh vực nhân đạo;
- Có điều lệ hoạt động phù hợp với 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào;
- Sử dụng tên gọi và biểu tượng phù hợp với 7 nguyên tắc cơ bản;
- Có mạng lưới tổ chức đủ đảm bảo các nhiệm vụ quy định, có chuẩn bị trong thời bình để sẵn sàng đảm bảo nhiệm vụ trong thời chiến;
- Hoạt động trong phạm vi cả nước;
- Kết nạp hội viên không phân biệt dân tộc, giới tính, tầng lớp xã hội, tín ngưỡng hoặc quan điểm chính trị;
- Thực hiện Điều lệ của Phong trào, xây dựng tình hữu nghị và hợp tác giữa các thành viên;
- Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Phong trào và hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của Luật Nhân đạo quốc tế.