Home Hoạt động trọng tâm

Hoạt động trọng tâm


I. HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM

1. Giai đoạn 1946-1954

– Tham gia cứu chữa, bảo vệ thương binh, bệnh binh, mở các lớp cứu thương cấp tốc đào tạo người tình nguyện, chủ yếu là các kỹ thuật sơ cấp cứu, chăm sóc vận chuyển thương binh, bệnh binh;

– Vận động xã hội chăm lo trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào, đặc biệt là đồng bào di cư do chiến tranh, tích cực tham gia các phong trào tăng gia sản xuất, phòng chống lũ lụt, cứu đói, chăm sóc người già, trẻ mồ côi trong các trại tế sinh, tế bần của chế độ cũ để lại;

2. Giai đoạn 1955-1975:

Chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiếp nhận hồi hương kiều bào, vận động và giúp nhân dân sơ tán, đào hầm hào để phòng tránh bom đạn Mỹ, tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh, nạn nhân chiến tranh. Các hoạt động của Hội tập trung công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tham gia hoạt động phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường, cùng các bộ, ngành, đoàn thể diệt giặc đói, giặc dốt, chăm lo trợ giúp người nghèo, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ, hỗ trợ giúp ổn định cuộc sống kiều bào hồi hương

3. Giai đoạn 1976-1987:

Hoạt động tham gia chăm sóc, trợ giúp các gia đình thương binh, liệt sỹ, những người khuyết tật, trợ giúp nạn nhân chiến tranh. Hội cũng tích cực tham gia vận động làm đường giao thông, xóa cầu khỉ, xây cầu dân sinh mới (ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long), thành lập các đội trợ táng, giúp đỡ ma chay cho các gia đình nghèo. Một số mô hình công tác xã hội xuất hiện và lan tỏa nhanh chóng, như: mô hình “Hũ gạo tình thương”, liên gia đình giúp nhau…

4. Giai đoạn 1987-2007:

Công tác xã hội nhân đạo là 1 trong 5 nhiệm vụ cơ bản của Hội, đó là: Tham gia thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người về hưu hoặc mất sức lao động, những trẻ mồ côi, những người già cô đơn, những người tàn tật gặp khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ nhau khi có thiên tai, địch hoạ…

5. Giai đoạn từ năm 2007 đến nay:

Công tác xã hội nhân đạo là 1 trong 4 hoạt động ưu tiên chiến lược của Hội với các phong trào, cuộc vận động lớn, như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Ngân hàng bò”, Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, bếp ăn tình thương, hũ gạo tình thương…

II. CÁC PHONG TRÀO, CUỘC VẬN ĐỘNG LỚN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM HIỆN NAY

1. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”

1.1. Bối cảnh ra đời của cuộc vận động

a) Về chủ quan:

– Trước năm 2008, Hội còn thiếu một phong trào, một cuộc vận động có tính xuyên suốt theo hướng trợ giúp gắn với phát triển bền vững (khi đó có nhiều phong trào nhỏ lẻ, theo đợt, Hội chưa nắm chắc đối tượng).

– Vai trò nòng cốt của Hội còn chưa được khẳng định rõ; vai trò cầu nối, vai trò điều phối của Hội trong hoạt động nhân đạo còn hạn chế, chưa được đề cập tới.

b) Về khách quan:

– Hoạt động nhân đạo, từ thiện còn chồng chéo, trùng lặp, theo đợt, theo mùa vụ, thiếu sự điều phối thống nhất, thiếu công bằng; có nơi bị lợi dụng.

– Người dân, tổ chức còn đóng góp nhiều khoản mà không được biết sự đóng góp đó được sử dụng thế nào; tính công khai, minh bạch trong hoạt động nhân đạo, từ thiện còn hạn chế.

– Quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện còn bất cập.

1.2 Mục đích của cuộc vận động

– Trợ giúp trực tiếp, kịp thời, thiết thực đối tượng theo hướng phát triển bền vững với tinh thần “mọi người cần trợ giúp đều nhận được sự trợ giúp thích hợp”.

– Nâng cao năng lực vận động nhân đạo của cán bộ Hội, qua đó nâng cao chất lượng tổ chức Hội, thực hiện được vai trò nòng cốt, vai trò cầu nối, vai trò điều phối của Hội trong hoạt động nhân đạo.

– Góp phần lôi cuốn các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhân đạo; giảm chồng chéo, thiếu công bằng và nâng cao hiệu quả trợ giúp,

1.3. Nội dung cuộc vận động

– Trợ giúp về vật chất, vốn phát triển sản xuất, ngày công lao động…

– Hỗ trợ chữa trị, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe thể chất…

– Tư vấn tâm lý, tinh thần và trợ giúp pháp lý…

1.4. Cách thức thực hiện

– Báo cáo cấp ủy đảng, chính quyền tạo sự ủng hộ về chủ trương, định hướng chỉ đạo và đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức, đoàn thể tham gia cuộc vận động.

– Triển khai thực hiện cuộc vận động theo các bước sau:

Bước 1: Khảo sát lập hồ sơ đối tượng – “địa chỉ nhân đạo” tại địa bàn theo các tiêu chí cụ thể do cấp Hội xác định phù hợp với điều kiện địa phương .

Bước 2: Chốt danh sách/Hồ sơ “địa chỉ nhân đạo” tại địa bàn (phối hợp với chính quyền cơ sở, cán bộ LĐXH và đại diện các đoàn thể…).

Bước 3: Vận động cán bộ, hội viên đăng ký trợ giúp các địa chỉ cụ thể theo hồ sơ khảo sát.

Bước 4: Vận động Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài địa bàn đăng ký trợ giúp “địa chỉ nhân đạo” theo hồ sơ giới thiệu của Hội.

Bước 5: Thực hiện sự trợ giúp (trợ giúp bằng tiền có thể trao theo tháng/quý; trợ giúp bằng gạo trao theo tháng; trợ giúp công sức .

Bước 6: Kiểm tra, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện cuộc vận động, trong đó chú ý thông báo công khai việc sử dụng sự trợ giúp dành cho đối tượng.

1.11. iNhân đạo (Ngân hàng “địa chỉ nhân đạo”)

Hệ thống iNHANDAO bắt đầu được xây dựng từ năm 2019, là một trong những phương thức triển khai Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.

Hệ thống iNHANDAO gồm bản đồ địa chỉ nhân đạo điện tử (phát triển trên nền bản đồ V-MAP do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng trong khuôn khổ Đề án iTRITHUC của Chính phủ) và ứng dụng iNHANDAO được phát triển trên Website, Google Play và App Store để sử dụng cho thiết bị di động.

Các bước triển khai và vận hành hệ thống iNHANDAO:

a) Tổng hợp, đồng bộ dữ liệu địa chỉ nhân đạo do Hội quản lý:

– Các tỉnh, thành Hội triển khai rà soát, cập nhật toàn bộ dữ liệu địa chỉ nhân đạo hiện đang quản lý.

– Thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu địa chỉ nhân đạo để tổng hợp đưa lên hệ thống: đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về địa chỉ liên hệ, nhóm đối tượng, nhu cầu cần trợ giúp.

– Xác định và gắn vị trí địa chỉ nhân đạo trên bản đồ số quốc gia VMAP do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng nhằm vận động nguồn lực trợ giúp trực tiếp cho đối tượng.

b) Xây dựng ứng dụng kết nối, điều phối trợ giúp nhân đạo trên website và điện thoại di động, đảm bảo các chức năng cơ bản:

– Hỗ trợ huy động nguồn lực trong cộng đồng để trợ giúp cho các địa chỉ nhân đạo thông qua việc cho phép người dùng giới thiệu địa chỉ nhân đạo trực tuyến; đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về địa chỉ nhân đạo (thông tin liên hệ, hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu cần trợ giúp) đã được cộng đồng và Hội Chữ thập đỏ xác minh lên bản đồ số quốc gia.

– Hỗ trợ cá nhân/tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp đúng người, đúng nhu cầu, nhanh chóng, thuận tiện một cách trực tiếp hoặc thông qua hệ thống Chữ thập đỏ bằng chức năng đăng ký và theo dõi kế hoạch tài trợ trực tuyến.

– Hỗ trợ việc điều phối các khoản trợ giúp một cách công bằng, minh bạch thông qua việc xác nhận các khoản trợ giúp cho đối tượng, đánh giá được mức độ đáp ứng nhu cầu và nguồn lực từ cộng đồng.

c) Truyền thông về hệ thống và vận động nguồn lực hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo và phát triển, nâng cấp hệ thống:

– Xây dựng và đăng ký bản quyền cho bộ nhận diện hệ thống.

– Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến về hệ thống trong các cấp Hội và cộng đồng chung.

– Vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ và các đối tác, nhà tài trợ xây dựng mạng lưới người dùng chữ thập đỏ và tương tác trên hệ thống.-

d) Tập huấn cho cán bộ Hội các cấp về sử dụng, vận hành hệ thống và tổ chức các hoạt động trợ giúp theo quy trình của hệ thống. Thời gian dự kiến xây dựng và đưa vào vận hành: từ tháng 9/2019 đến tháng 12/1.12.

1.12. Kết quả, bài học kinh nghiệm 10 năm thực hiện Cuộc vận động, giai đoạn 2008-2018

a) Kết quả:

– Các cấp Hội đã khảo sát, lập 2.578.000 hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”, trợ giúp và vận động trợ giúp 2.355.000 hồ sơ với tổng trị giá đạt trên 3.813 tỷ đồng, trong đó 42% địa chỉ do tổ chức Hội trợ giúp, 58% địa chỉ do các tổ chức, cá nhân trợ giúp theo hồ sơ giới thiệu của Hội

– Trong 10 năm (2008-2018) triển khai Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã xuất hiện nhiều hình thức gắn và các mô hình công tác xã hội, đó là: “Ngân hàng bò” với 24.100 con trị giá trên 291 tỷ đồng; Nhà chữ thập đỏ đạt: 28.713 căn với trị giá gần 870 tỷ đồng; Bếp ăn tình thương 181 bếp cung cấp gần 29,3 triệu suất ăn miễn phí, trị giá gần 438 tỷ đồng; chương trình tiếp bước em đến trường với các mô hình: Nuôi heo đất, nuôi lợn nhựa tiết kiệm; Góp đồng tiền lẻ, đẻ đồng tiền vàng, đã hỗ trợ gần 184.000 em học sinh nghèo, trị giá hơn 138 tỷ đồng; Hũ gạo tình thương phát triển ở 40 tỉnh thành, tích lũy hơn 125 tấn gạo, trị giá hơn 17 tỷ đồng.

b) Bài học kinh nghiệm:

– Cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ về Cuộc vận động, coi đó là hoạt động chiến lược, có tính lâu dài của toàn Hội.

– Việc xác định lập hồ sơ các đối tượng cần được tiến hành công khai, dân chủ, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng; sự trợ giúp phải thiết thực, cụ thể, hiệu quả, mang tính phát triển bền vững.

– Việc vận động cần thực hiện từ cán bộ, hội viên trước, qua đó vận động hoặc tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền vận động các tổ chức, cá nhân khác tham gia sau. Chú trọng thông tin, tuyên truyền, kịp thời công khai kết quả trợ giúp “địa chỉ nhân đạo”.

– Coi trọng vận động chính sách; vận động cấp uỷ Đảng, chính quyền tham gia với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và nêu gương

– Luôn luôn coi trọng củng cố và nâng cao uy tín của tổ chức Hội, mỗi cán bộ Hội, mỗi cấp Hội cần thực sự có uy tín, là “thanh nam châm” có sức hút mạnh mẽ, lôi cuốn được ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn tham gia cuộc vận động.

1.13. Nhiệm vụ, giải pháp tổ chức Cuộc vận động những năm tới

a) Nhiệm vụ:

– Tiếp tục quán triệt trong toàn Hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung của cuộc vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp Hội đối với cuộc vận động,

– Hoàn thành việc rà soát, đánh giá để điều chỉnh danh sách “địa chỉ nhân đạo” theo đúng tiêu chí của cuộc vận động. Hàng năm các cấp Hội thực hiện rà soát ”địa chỉ nhân đạo” để có sự điều chỉnh phù hợp theo tiêu chí của cuộc vận động.

– Phấn đấu căn bản các “địa chỉ nhân đạo” được trợ giúp bởi tổ chức Hội hoặc các tổ chức, cá nhân khác với những cách thức thích hợp theo sự giới thiệu của Hội, đảm bảo hiệu quả, thiết thực và bền vững.

– Chỉ tiêu cuộc vận động (nhiệm kỳ 2017-2022): ít nhất 500.000 “địa chỉ nhân đạo” được Hội trợ giúp trực tiếp hoặc gián tiếp.

b) Các giải pháp cơ bản:

– Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện cuộc vận động:

– Rà soát danh sách ”địa chỉ nhân đạo” và hoàn thành việc khảo sát, lập hồ sơ ”địa chỉ nhân đạo” theo hướng dẫn thống nhất:

– Không ngừng đổi mới phương thức trợ giúp đối tượng, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, theo hướng phát triển bền vững:

– Vận động nguồn lực và phát triển mối quan hệ đối tác phục vụ cuộc vận động:

– Coi trọng kiểm tra, công tác thông tin, tuyên truyền, công tác tôn vinh, khen thưởng trong quá trình thực hiện cuộc vận động.

2. “Tháng Nhân đạo”

2.1. Sự cần thiết tổ chức “Tháng Nhân đạo”

– Việc tổ chức “Tháng Nhân đạo” hàng năm xuất phát từ nhu cầu cần được trợ giúp của những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương trong xã hội

– Việc tổ chức “Tháng Nhân đạo” góp phần giáo dục lòng nhân ái, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác nhân đạo, thúc đẩy phong trào thi đua làm việc thiện, tham gia xóa đói, giảm nghèo

– Việc tổ chức “Tháng Nhân đạo” xuất phát từ yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhân đạo

2.2. Mục tiêu, chỉ tiêu của “Tháng Nhân đạo”

– Góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong công tác nhân đạo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác nhân đạo.

– Tạo phong trào thi đua làm việc thiện sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.

– Chỉ tiêu: Phấn đấu vận động nguồn lực trợ giúp ít nhất từ 100.000 lượt người trong “Tháng Nhân đạo” mỗi năm.

2.3. Nội dung của “Tháng Nhân đạo”

– Tuyên truyền sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân về các giá trị nhân đạo.

– Triển khai đồng bộ việc khảo sát, lập hồ sơ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp; vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn theo hướng bền vững.

– Đánh giá sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền đối với hoạt động nhân đạo tại địa phương; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác nhân đạo.

– Tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nhân đạo, kết hợp vận động nguồn lực phục vụ các hoạt động nhân đạo.

2.4. Tổ chức thực hiện

a) Nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng: trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy Đảng cấp dưới, cấp chính quyền cùng cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, Hội Chữ thập đỏ thực hiện “Tháng Nhân đạo” tại địa phương/trong cơ quan, tổ chức; Vận động cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng gương mẫu tham gia “Tháng Nhân đạo”.

b) Các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam:

– Trung ương Hội chủ trì tham mưu xác định chủ đề, đối tượng cụ thể và xây dựng kế hoạch “Tháng Nhân đạo” hằng năm;

– Xây dựng và phổ biến các tài liệu tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh – Phối hợp khảo sát, lập hồ sơ “địa chỉ nhân đạo”; tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo và vận động các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm trợ giúp “địa chỉ nhân đạo” theo hướng phát triển bền vững;

– Tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nhân đạo và các hoạt động vận động xây dựng quỹ.

c) Các cấp chính quyền: đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động nhân đạo tại địa phương;Phân công các cơ quan liên quan phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp khảo sát lập hồ sơ các “địa chỉ nhân đạo. Kiểm tra, giám sát việc vận động, quyên góp, tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền, hiện vật do tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các hoạt động nhân đạo tại địa phương; kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động nhân đạo.

d) Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp: vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động nhân đạo; đăng ký trợ giúp “địa chỉ nhân đạo” theo hướng phát triển bền vững; thực hiện việc thống kê, báo cáo, thông tin kết quả hoạt động nhân đạo do tổ chức mình thực hiện theo quy định.

2.5. Kết quả “Tháng Nhân đạo” năm 2018, 2019

a) “Tháng Nhân đạo” năm 2018: lần đầu tiên được tổ chức nhưng đã thu được kết quả ấn tượng, tạo tiền đề tốt đẹp cho việc triển khai “Tháng Nhân đạo” những năm tiếp theo, với tổng trị giá vận động đạt 243 tỷ 450 triệu đồng, trợ giúp trên 626 nghìn lượt người, gấp 8,9 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

b) “Tháng Nhân đạo” năm 2019: đã vận động trên 340 tỷ 748 triệu đồng, trợ giúp trên 890.000 ngàn đối tượng; trong đó trợ giúp trên 70.000 lượt địa chỉ nhân đạo, trị giá 38,099 tỷ đồng; khám và chữa bệnh miễn phí trên 353 nghìn lượt người, trị giá trên 48 tỷ đồng; vận động gần 100.000 đơn vị máu, trị giá trên 20 tỷ đồng; trao tặng 2.235 căn nhà, trị giá trên 90 tỷ đồng.

2.6. Định hướng tổ chức “Tháng Nhân đạo” những năm tới

– Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức “Tháng Nhân đạo” trong hệ thống Hội, huy động được sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ;

– Nâng cao chất lượng, hiêu quả công tác tham mưu, điều phối hoạt động trong “Tháng Nhân đạo”, huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong thực hiện “Tháng Nhân đạo”;

– Phát huy vai trò của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và vai trò của Chủ tich danh dự Hội ở các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền về “Tháng Nhân đạo”;

– Chú trọng công tác vận động nguồn lực trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong “Tháng Nhân đạo, coi Tháng Nhan đạo là tháng cao điểm để vận động nguồn lực cho hoạt động cả năm.

– Coi trọng kiểm tra, hướng dẫn, tổng kết mô hình, kinh nghiệm trong triển khai “Tháng Nhân đạo”.

3. Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”

– Vào dịp chuẩn bị Tết năm 1999, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ IV (tháng 12/1999), Ban Chấp hành Trung ương Hội đã phát động phong trào “Tết vì người nghèo”. Lúc đầu, do nguồn quỹ cứu trợ còn hạn hẹp và có nhiều đối tượng là nạn nhân chất độc da cam nên nguồn quỹ cho phong trào này được chi thêm từ Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam. Vì vậy, về sau này, tên của phong trào được hoàn chỉnh lại là “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (sau đây gọi tắt là Phong trào).

– Trị giá vận động trung bình hằng năm đạt khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương 45 triệu đô-la Mỹ), trợ giúp trên 2 triệu gia đình nghèo và nạn nhân chất độc da cam. Phong trào đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân; đã nhiều lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được Sách kỷ lục Ghiness Việt Nam công nhận là Phong trào vận động được số quà nhiều nhất trong một thời gian ngắn vào năm 2015.

– Đối tượng của Phong trào là những người nghèo hoặc hộ gia đình nghèo, nạn nhân chất độc da cam và gia đình nạn nhân chất độc da cam.

3.2. Các hình thức trợ giúp

– Hình thức trợ giúp phổ biến là trao tặng tiền, quà Tết

– Ngoài ra, các cấp Hội còn trợ giúp hoặc vận động trợ giúp nhà chữ thập đỏ,trao tặng bò, vật nuôi, trao tặng Thẻ bảo hiểm y tế kết hợp khám bệnh, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất…

3.3. Các bước triển khai Phong trào

Bước 1. Chuẩn bị

– Xây dựng kế hoạch tổ chức Phong trào, trong đó xác định rõ chỉ tiêu vận động quà Tết, khung thời gian vận động . Xác định nguồn lực hiện có và nguồn lực từ các đối tác tiềm năng. Tham mưu, vận động cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp chỉ đạo Phong trào tại địa phương/tổ chức/cơ quan;

Bước 2. Phát động Phong trào: i) Tổ chức Lễ phát động trang trọng, tiết kiệm. Tại Lễ phát động, cấp Hội tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả cho hoạt động nhân đạo trong năm; ii) Tổ chức tiếp nhận sự ủng hộ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cho Phong trào tại Lễ phát động

Bước 3. Tổ chức thực hiện Phong trào (theo 3 mảng việc lớn): i) Tổ chức vận động nguồn lực (tiền, quà Tết…); ii) Tổ chức lựa chọn đối tượng theo các tiêu chí phù hợp với đặc điểm đặc thù của địa phương; iii) Tổ chức trao quà Tết.

Bước 4. Giám sát, báo cáo, thông tin định kỳ về kết quả Phong trào

Bước 5. Tổng kết Phong trào

III. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC XÃ HỘI CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

Mục tiêu của Công tác xã hội là: Trợ giúp về vật chất và tinh thần cho những người dễ bị tổn thương, giúp họ nâng cao năng lực, kỹ năng phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, cải thiện cuộc sống; tăng cường mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong công tác xã hội nhân đạo… với một số giải pháp cụ thể sau đây:

1. Thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động trong đó đẩy mạnh Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” theo hướng hiệu quả, thiết thực, mang tính bền vững, đa dạng các mô hình, ứng dung công nghệ thông tin trong khảo sát , triển khai,đánh giá, quản lý đối tượng. Phát huy vai trò gương mẫu, nêu gương của lãnh đạo các địa phương, các cơ quan đơn vị trong việc tham gia Cuộc vận động, coi đó là phong trào làm việc thiện của toàn dân.Tiếp tục triển khai sâu rộng Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” trên phạm vi cả nước.

2. Tiếp tục thực hiện “Tháng Nhân đạo” hàng năm coi đây là tháng cao điểm vận động chính sách, nguồn lực, tập hợp các lực lượng tham gia hoạt động nhân đạo.

3. Phát triển đa dạng các mô hình công tác xã hội, phát triển cộng công đồng phù hợp với đặc thù vùng miền; thực hiện xã hội hóa các mô hình dịch vụ an sinh xã hội do Hội Chữ thập đỏ tổ chức (Trung tâm chăm sóc người cao tuổi, nạn nhân chiến tranh, trẻ em mồ côi…)

4. Bố trí cán bộ có năng lực và chuyên môn Công tác xã hội để thực hiện nhiệm vụ ngày càng mang tính chuyên nghiệp.

5. Đề xuất với Chính phủ, kêu gọi các tổ chức quốc tế để tham gia thực hiện các dự án trong lĩnh vực công tác xã hội, phát triển cộng đồng.